Nhắc đến địa danh Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre ngày nay (xưa bao gồm Châu Bình thôn và Bình Khương Thôn) thì ai ai cũng biết đến "Cả Cọp Châu Bình".
Tương truyền, khi di dân ngũ Quảng lập làng tại nơi này thì rừng rậm hoang vu nhiều thú dữ: cá sấu, rắn, cọp... Hương Cả là người đứng đầu trong ban hội tề là bộ máy cai quản ở làng - do dân cử và được triều đình công nhận bằng "tờ cử". Riêng làng Châu Bình cử người nào vào chức này thì đều bị bệnh hoặc ông "Ba Mươi " sát hại, nên chức này phải nhường chức này cho Cả Cọp.
Dân làng làng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ mời ông Cả về nhận chức: tờ cử cùng lễ vật như heo, gà, hoa quả và... không thể thiếu rượu. Tuy nhiên các lễ vật này, ông chỉ nhận đầu heo và tờ cử. Một chi tiết quan trọng là hũ rượu trong lễ dâng tờ cử. Nếu như năm nào dân cúng rượu ngon: nếp rặt lên men hằng tháng mới kháp, rượu kháp xong phải ủ lâu ngày trong lòng đất (hạ thổ) thì ổng mới "nhậm". Và năm nào ông Cả "nhậm" rượu của làng dâng cúng ắt năm đó mùa màng trúng mùa to. Sau khi Cả Cọp mất đi, dân mới bầu Cả Non, rồi Cả Tiết.
Hiện nay, tại Cầu Bà Bồi, ấp 3 Xã Châu Bình còn lăng thờ Cả Cọp. Hằng năm vào ngày mồng 7 tháng Giêng có lễ cúng Khai sơn và mồng 10 tháng 5 âm lịch có lễ cúng ông Cả nhằm nhắc nhở lớp sau nhớ về một thời mở cõi khó nhọc của ông cha.
Từ truyện dân gian xưa, tại trang trại Bình Khương Thôn, xã Châu Bình, chủ trang trại cố công nghiên cứu hàng chục năm trời từ các hậu duệ của người xưa làm rượu ngon dâng Cả Cọp để được "bài" rượu hạ thổ mang tên đất xưa làng cũ Bình Khương thôn. Cả Cọp ngày nay chỉ còn trong tiềm thức người già, trong câu chuyện kể cho trẻ con, rượu Bình Khương Thôn này như một lời tri ân cho người tiền nhân đi mở cõi, rượu ngon dâng gia tiên trong những ngày hiếu hỉ, mong đất trời mưa thuận gió hòa, mong con cháu chăm chỉ học hành thành đạt vinh hiển, mong cho công việc làm ăn luôn tấn tài tấn lộc...